Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Theo dự thảo, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước giao cho Tập đoàn; tiến hành các hoạt động về hóa chất theo quy định Luật hóa chất; tổ chức quản lý, giám sát công tác về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hóa dược, hóa dầu và khai thác chế biến khoáng sản của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; thực hiện chức năng trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư kinh doanh vốn vào các công ty con, các công ty liên kết; chi phối các công ty con theo mức độ nắm giữ vốn điều lệ của các công ty đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ; thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại các công ty con và công ty liên kết; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp kinh doanh trong Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; thực hiện những công việc khác mà Nhà nước giao cho.
Ngành, nghề kinh doanh
Ngành, nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hóa dược, hóa dầu.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam kinh doanh các ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính như: Tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất, nhập khẩu vật tư, thiết bị hóa chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hóa chất.
Dự thảo nêu rõ, các ngành nghề kinh doanh do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang đầu tư vốn kinh doanh không thuộc quy định trên, Tập đoàn thực hiện việc nắm giữ vốn và thoái vốn theo nội dung và lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có thể bổ sung các ngành, nghề khác mà pháp luật không cấm sau khi được chủ sở hữu nhà nước chấp thuận.
Vốn điều lệ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại thời điểm ban hành Điều lệ này là 16.000 tỷ đồng.
Nhà nước là chủ sở hữu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng của chủ sở hữu đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Cơ cấu tổ chức quản lý Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gồm có: 1- Hội đồng thành viên; 2- Tổng giám đốc; các Phó Tổng giám đốc; 3- Kế toán trưởng; 4- Bộ máy giúp việc; Ban Kiểm toán nội bộ.
Hội đồng thành viên là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và đối với các công ty do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn góp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tại các doanh nghiệp khác. Hội đồng thành viên có không quá 7 người. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá 5 năm.
Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định, quy định của cấp có thẩm quyền và Hội đồng thành viên phù hợp với Điều lệ này; chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền, Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao.
Dự thảo nêu rõ, người lao động tham gia quản lý Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thông qua các hình thức và tổ chức sau đây: 1- Hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu người lao động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; 2- Đối thoại tại nơi làm việc; 3- Tổ chức Công đoàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; 4- Ban Thanh tra nhân dân; 5- Thực hiện quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
Báo Chính Phủ