Công nghệ hóa học là gì?
Hẳn bạn đang tự hỏi: Công nghệ hóa học là gì mà có thể đem lại cho cuộc sống nhiều điều kỳ diệu đến thế?
Đó là các nhà hóa học (chemist) nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sáng tạo ra những hóa phẩm.
Hay đó là các kỹ sư (technician/engineer) làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy, sản xuất các hóa phẩm cần thiết cho đời sống?
Hai cách định nghĩa ấy đều chưa đúng.
Định nghĩa đầy đủ phải kết hợp cả hai yếu tố trên (chemical technology/engineering). Như vậy, Công nghệ hóa học là một quá trình mà điểm khởi nguồn là cái đầu không yên lặng của nhà hóa học đến bàn tay, khối óc của các kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp, và điểm cuối cùng là người tiêu dùng.
Bạn có thể hình dung quá trình này như sau:
Nhà hóa học nghiên cứu quy trình công nghệ, tính toán và viết ra quy trình này trên giấy. Từ những nghiên cứu về lý thuyết đó, người ta kiểm nghiệm lại chúng trong phòng thí nghiệm. Sau quá trình kiểm nghiệm, quy trình được hoàn thiện, bổ sung, sửa chữa những điểm cần thiết và thể hiện lại trên giấy. Nhà kỹ thuật dựa trên quy trình ấy, thiết kế ra máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất. Những máy móc này được chuyển tới nhà máy, xí nghiệp và được vận hành bởi các kỹ sư, công nhân kỹ thuật. Từ đó, biết bao nhiêu sản phẩm cần thiết cho cuộc sống đã ra đời.
Chính quá trình đó đã biến những nguyên liệu có sẵn trên hành tinh chúng ta như các khoáng chất, không khí, nước và động thực vật, thậm chí cả rác thải thành các sản phẩm hữu ích, phục vụ và nâng cao cuộc sống cho con người, thông qua một chuỗi các thao tác trên các thiết bị khác nhau. Điều này cũng có nghĩa là trong công nghệ sản xuất của bất kỳ một sản phẩm hiện đại nào đều chứa đựng rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn ấy lại sử dụng một hay nhiều kỹ thuật đặc thù nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Đến nay, trải qua hành trình hàng vạn năm của nhân loại, đã có vô vàn phát minh vĩ đại làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người, nhưng nhiều nhà khoa học đồng tình rằng phát minh vĩ đại nhất là việc tìm ra lửa.
Người cổ đại đã lấy những viên đá lửa, cọ xát vào nhau tạo nên ngọn lửa. Lửa giúp con người nướng chín đồ ăn, giúp họ sưởi ấm, xua đuổi thú dữ và bao nhiêu ích lợi khác. Chính ngọn lửa ấy đã khởi nguồn cho toàn bộ nền văn minh nhân loại.
Và bạn có tin được không?
Lửa chính là một phát minh về hóa học đấy!
Công nghệ hóa học hiện nay không chỉ bó gọn trong lĩnh vực hóa học mà một nhà công nghệ hay kỹ sư hóa học phải là một chuyên gia đa năng. Tức là muốn sản xuất một sản phẩm hóa học nào đó, họ không những phải hiểu sâu sắc về hóa học, hóa - lý mà còn phải biết tính toán, thiết kế, lựa chọn nguyên liệu, năng lượng rồi triển khai sản xuất sao cho đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Vậy nên sinh viên Công nghệ hóa học ngoài các môn hóa học cơ bản còn phải học những môn như toán, vật lý, hóa công, vẽ kỹ thuật v.v… Chỉ có tình yêu, niềm đam mê với Công nghệ hóa học mới giúp bạn trở thành nhà công nghệ hay kỹ sư hóa học thực thụ.
Thật không thể tưởng tượng nổi xã hội văn minh sẽ ra sao nếu không có Công nghệ hóa học. Các sản phẩm của Công nghệ hóa học ngày nay đã trở nên thông thường tới mức nhiều khi bạn không còn nhận ra chúng nữa, như nước và không khí vậy.
Chỉ cách đây chưa đầy một thế kỷ, sản phẩm nhựa polime đầu tiên ra đời và đắt như vàng vậy. Ngày nay, bạn có thể thấy những sản phẩm bằng nhựa ở khắp mọi nơi. Thậm chí, túi nilon hay đồ nhựa dùng qua một lần đã bị coi là rác rồi.
Công nghệ hóa học len lỏi vào mọi ngành nghề, lĩnh vực của đời sống.
Chúng ta thử lấy ví dụ ngành công nghệ thông tin, hay cụ thể hơn là công nghệ sản xuất chip điện tử.
Mỗi con chip có kích thước khoảng một vài phân vuông thôi mà chứa vô số những mạch điện nhỏ li ti, cách nhau khoảng một phần triệu mét. Người ta phải dùng một loại dung môi đặc biệt để rửa những con chip này, khiến các mạch điện cách nhau ở khoảng cách nhỏ như vậy mà không gây ảnh hưởng đến nhau.
Loại dung môi đặc biệt ấy chính là sản phẩm của Công nghệ hóa học.
Một nhà khoa học nổi tiếng đã nói:
“Công nghệ hóa học đã biến chúng ta từ một tên nô lệ của thiên nhiên thành ông hoàng của sự thụ hưởng”.