Kiến thức cần biết về Hóa chất tẩy rửa dầu mỡ bề mặt kim loại

Viết bởi Ánh, Ngày 31/07/2016
Kiến thức cần biết về Hóa chất tẩy rửa dầu mỡ bề mặt kim loại

Kiến thức cần biết về Hóa chất tẩy rửa dầu mỡ bề mặt kim loại

 

Các thiết bị kim loại rất cần được làm sạch định kì để giảm thiểu hư hại và duy trì hiệu suất làm việc. Có rất nhiều phương pháp làm sạch bề mặt kim loại, chủ yếu được phân làm hai loại đó là tẩy dầu mỡ bằng dung dịch hóa học và cơ học. Trong đó, tẩy dầu bằng dung dịch hóa học chiếm ưu thế lớn do khả năng làm sạch nhanh, chi phí thấp, điều kiện áp dụng dễ dàng và không cần tháo rời và lắp ráp lại từng bộ phận.

Chế phẩm tẩy dầu mỡ được tổng hợp từ nhiều thành phần hóa học khác nhau, mỗi chất đều có tác dụng riêng. Chế phẩm này sẽ hấp phụ dầu mỡ trên bề mặt kim loại và giữ chúng lơ lửng trong dung môi tẩy dầu mà không lắng cặn trở lại lên bề mặt kim loại. Ngoài ra, chất tẩy dầu mỡ còn phải đảm bảo được những yêu cầu tiêu chuẩn khác như: không dễ bắt cháy, tẩy dầu nhanh, sạch; thân thiện với môi trường và người sử dụng; mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Các loại hóa chất tẩy rửa dầu mỡ thường được chia thành các loại sau:

 

 

  • Hóa chất tẩy rửa dầu mỡ dung môi hữu cơ: Sử dụng dung môi tẩy dầu mỡ phù hợp với kĩ nghệ mạ tự động hóa cao, hiệu quả tốt. Trong trường hợp chi tiết có kích thước bé, số lượng ít, có thể dùng phương pháp thủ công, nhúng trực tiếp vào dung dịch tẩy, đồng thời lau chùi hay chải bằng bàn chải kim loại hoặc ngâm chi tiết trong bể dung dịch tẩy dầu. Cách thứ hai là tẩy dầu mỡ trong hơi dung môi, đây là phương pháp hiện đại, thường sử dụng trong xí nghiệp mạ công nghiệp, dùng cho các chi tiết phức tạp. Dung dịch tẩy sẽ được làm nóng đến nhiệt độ sôi và bay hơi, ngưng tụ lên bề mặt chi tiết, khi rơi xuống nó cuốn theo dầu mỡ và tạp chất xuống bể, ta cần lưu ý đến khả năng cháy nổ của dung môi và giữ cho nhiệt độ được ổn định. Trước khi tiến hành tẩy sạch kim loại bằng dung môi hữu cơ cần loại bỏ toàn bộ nước trên bề mặt chi tiết.

  • Hóa chất tẩy rửa dầu mỡ kiềm: Người ta có thể tẩy trực tiếp các chi tiết bằng dung dịch kiềm hoặc kết hợp với các quá trình tẩy dầu mỡ khác. Sau khi tẩy dầu mỡ bằng dung môi hữu cơ, đa số các chất dầu mỡ đã bị tẩy sạch, tuy nhiên vẫn còn sót lại lớp màng dung môi mỏng trên bề mặt kim loại nền, người ta thường tẩy lớp dầu này bằng dung dịch kiềm. Cần lưu ý khi tẩy dầu nhôm bằng dung dịch kiềm sẽ xảy ra phản ứng hòa tan nhôm, hoặc làm cho bề mặt nhôm đen, ta cần thêm chất ức chế ăn mòn để tăng hiệu quả sử dụng.

  • Chất tẩy dầu mỡ axit: Các chất axit rất hay được sử dụng để tẩy gỉ kim loại, tuy nhiên nó cũng có thể hòa tan dầu và được ứng dụng để sản xuất chất tẩy dầu, và vì axit rất dễ ăn mòn kim loại nên cần tìm những chất ức chế ăn mòn phù hợp với từng loại kim loại nền.

Tùy thuộc vào bản chất dầu mỡ bám trên bề mặt chi tiết ta có thể sử dụng Hóa chất tẩy rửa dầu mỡ khác nhau:

 

  • Phương pháp ngâm: Là quá trình ngâm kim loại vào một bể lớn chứa chất tẩy dầu, dưới điều kiện nhiệt độ, sục khí... để tách dầu mỡ trên bề mặt kim loại, sau đó kim loại sẽ được rửa lại bằng nước.

  • Phương pháp phun: Là quá trình sử dụng dung dịch tẩy dầu không tạo bọt phun lên bề mặt kim loại dưới áp suất cao trong phòng kín. Dung dịch tẩy dầu mỡ được luân chuyển và phun bằng vòi vào phần kim loại cần làm sạch.


 

 

  • Phương pháp điện giải: Là phương pháp nối vật tẩy dầu vào cực âm hoặc cực dương của nguồn điện một chiều và dựa vào tác động thoát khí trên điện cực của quá trình điện phân để tách tạp chất. Người ta phân loại thành điện hóa catot, điện hóa anot, điện hóa kết hợp, nhưng thường dùng nhất là điện giải catot.
  • Phương pháp siêu âm: Là quá trình ngâm các chi tiết vào dung môi nóng và khuấy liên tục bằng dòng diêu âm có tần số dao động từ 20 - 500 KHz. Quá trình này không chỉ tẩy dầu mà các màng oxit cũng bị bào mòn, bong ra. Sau khi kiểm tra thấy toàn bộ dầu mỡ trên bề mặt đã sạch dầu mỡ thì ngừng lại và sấy khô chi tiết.

 

Kiểm tra chi tiết sau khi tẩy dầu mỡ

Sau quá trình tẩy dầu mỡ, ta có thể kiểm tra độ sạch của bề mặt chi tiết bằng cách tia nước cất lên bề mặt chi tiết, nếu bề mặt thấm ướt đều 100%, tức là khắp bề mặt chi tiết ướt đều, tạo thành một màng mỏng đều thì chất lượng tẩy dầu mỡ như thế là đạt. Nếu trên bề mặt chi tiết xuất hiện khoảng trống không thấm ướt hay đọng thành giọt chất lỏng ở một số vị trí thì cần tiến hành tẩy dầu mỡ lại.

 

Ứng dụng

Chất tẩy dầu mỡ không những tẩy dầu mà còn có thể tẩy các chất bẩn khác, giúp làm sạch bề mặt kim loại, thông thường nó được sử dụng cho quá trình tiền xử lý của mạ điện, công nghệ anode, sơn, tạo màng chống thấm, tạo lớp phủ kết cấu... Và, để đáp ứng nhu cầu ứng dụng trong các quá trình xử lý công nghiệp, các dung dịch tẩy dầu thường tan trong nước.

Xem thêm các sản phẩm HÓA CHẤT TẨY DẦU MỠ